Trường Đại học Mỏ – Địa chất tổ chức Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ đề tài KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu chế tạo bê tông thông minh cường độ cao sử dụng xỉ thép công nghiệp có khả năng tự cảm biến ứng suất” mã số B2022-MDA-05 do TS. Lê Huy Việt chủ nhiệm
Mã số: B2022-MDA-05
Thời gian thực hiện: 2022-2023
Chủ nhiệm đề tài: TS Lê Huy Việt
Cơ quan chủ trì: Trường Đại học Mỏ – Địa chất
Thời gian nghiệm thu: 9h00′ ngày 03 tháng 4 năm 2024 (Thứ Tư)
Địa điểm: Phòng họp Thuận Thành, Trường Đại học Mỏ – Địa chất, Phường Đức Thắng – Quận Bắc Từ Liêm – TP Hà Nội;
Trân trọng kính mời các đại biểu và nhà khoa học quan tâm tới dự.
THÔNG TIN KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI
Mục tiêu
– Chế tạo được bê tông thông minh cường độ cao sử dụng xỉ thép công nghiệp có khả năng tự cảm biến ứng suất;
– Xác định các yếu tố ảnh hưởng và các biện pháp nâng cao khả năng tự cảm biến của bê tông thông minh cường độ cao sử dụng xỉ thép công nghiệp.
Tính mới và sáng tạo
– Nghiên cứu đã chế tạo được bê tông cường độ cao sử dụng xỉ thép công nghiệp (PS ball) thay thế cát có cường độ chịu nén lớn hơn 100 MPa;
– Các mẫu bê tông cảm biến gồm xỉ thép và sợi thép được chế tạo để đánh giá khả năng cảm biến của bê tông thông qua thí nghiệm đo đồng thời điện trở và tải trọng nén tác dụng lên mẫu. Mối quan hệ giữa điện trở suất và ứng suất nén được xác định. Thông qua đó, sự thay đổi ứng suất của bê tông thông minh có thể đánh giá thông qua sự thay đổi điện trở suất. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng xỉ thép công nghiệp (PS Ball) là vật liệu tiềm năng để làm cốt liệu thay thế cát đồng thời là chất dẫn điện giúp cải thiện cấu trúc trong bê tông thông minh từ đó giúp tăng cường khả năng cảm biến của bê tông thông minh;
– Bê tông thông minh có khả năng cảm biến ứng suất chế tạo từ xỉ thép công nghiệp là vật liệu tiềm năng để ứng dụng trong hệ thống đánh giá tình trạng kết cấu theo thời gian thực khi kết hợp với hệ thống truyền phát không dây IOT và điện toán đám mây.
Kết quả nghiên cứu
– Nghiên cứu đã tổng hợp được cơ sở lý thuyết, đặc điểm và các phương pháp chế tạo bê tông thông minh có khả năng tự cảm biến;
– Nghiên cứu đã sử dụng xỉ thép làm chất tăng cường độ dẫn điện để chế tạo bê tông thông minh có khả năng tự cảm biến;
– Nghiên cứu đã đánh giá được ảnh hưởng của hàm lượng và kích thước xỉ thép đến khả năng tự cảm biến ứng suất của bê tông thông minh;
– Nghiên cứu đã đánh giá khả năng tự cảm biến của bê tông thông minh khi sử dụng kết hợp xỉ thép và sợi thép tăng cường;
– Nghiên cứu đã đánh giá được một số yếu tố ảnh hưởng khác đến khả năng tự cảm biến của bê tông thông minh.
Sản phẩm
Sản phẩm khoa học
– Công bố 02 bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế trong danh mục ISI của Elsevier, chất lượng Q1;
– Công bố 03 bài báo trên tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước thuộc danh mục được HĐGSNN tính điểm;
– Công bố 01 bài báo hội thảo quốc gia.
Sản phẩm về đào tạo
– Đào tạo 02 thạc sỹ được cấp bằng theo hướng nghiên cứu của đề tài.
Sản phẩm ứng dụng
– 01 bộ tài liệu hướng dẫn chế tạo bê tông thông minh cường độ cao có khả năng tự cảm biến ứng suất sử dụng hạt xỉ thép (cấp phối, quy trình phối trộn);
– 01 tài liệu hướng dẫn phương pháp đo điện trở cho bê tông thông minh và phương pháp phân tích khả năng cảm biến ứng suất của bê tông thông minh;
– 01 bộ số liệu thực nghiệm xác định một số đặc trưng cơ học và phản hồi cơ điện, đặc điểm vi cấu trúc của một số loại bê tông thông minh sử dụng xỉ thép công nghiệp;
– 03 mẫu bê tông thông minh cường độ cao có khả năng tự cảm biến ứng suất (kích thước 50x50x50mm).
Phương thức chuyển giao, địa chỉ ứng dụng, tác động và lợi ích mang lại của kết quả nghiên cứu
Phương thức chuyển giao
– Các báo cáo phân tích, bộ số liệu, mẫu bê tông thông minh cường độ cao, bộ tài liệu hướng dẫn phương pháp đo điện trở cho bê tông thông minh và phương pháp phân tích khả năng cảm biến ứng suất của bê tông thông minh, bộ tài liệu hướng dẫn chế tạo bê tông thông minh cường độ cao có khả năng tự cảm biến ứng suất và các đề xuất giải pháp của đề tài được chuyển giao miễn phí và lưu trữ tại trường Đại học Mỏ – Địa chất dưới dạng bản in và bản mềm trong đĩa CD phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường Đại học Mỏ – Địa chất;
– Các báo cáo phân tích và các tài liệu hướng dẫn được chuyển giao cho các chuyên gia, giảng viên, nghiên cứu viên… của các trường đại học và viện nghiên cứu về lĩnh vực Vật liệu Xây dựng; các vụ, cục chuyên môn thuộc Bộ Xây dựng, Bộ giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng thông qua hình thức hội thảo tập trung hoặc lớp tập huấn;
– Quyền sở hữu trí tuệ, sản phẩm được thương mại hóa sản phẩm từ đề tài (nếu có) được chuyển giao theo các quy định về quản lý hoạt động khoa học công nghệ của trường Đại học Mỏ – Địa chất, Bộ giáo dục và đào tạo và các quy định liên quan của nhà nước.
Địa chỉ ứng dụng
– Các cơ quan quản lý, tư vấn, thiết kế, kiểm định chất lượng công trình xây dựng trong cả nước;
– Các trường đại học kĩ thuật có đào tạo ngành kĩ thuật xây dựng.
– Theo P.KHCN trường Đại học Mỏ – Địa chất –